Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

NGHỆ THUẬT BONSAI NHẬT BẢN

NGHỆ THUẬT BONSAI NHẬT BẢN Ý nghĩa của Bonsai

Trong tiếng Nhật, Bon có nghĩa là cái chậu, khay đựng. Sai có nghĩa là cái cây, việc trồng cây. Bonsai nghĩa là những cái cây được đựng trong chậu, khay và được người trồng dùng các dụng cụ đặc biệt để cắt, tỉa, tạo dáng. Bonsai mang hình dạng của một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nhưng được thu nhỏ bằng những kỹ thuật rất cao. Các nghệ nhân Bonsai đã biến những cây vô tri vài năm tuổi trở thành cây cổ thụ tí hon với nhiều hình dáng và ý nghĩa khác nhau. Đối với những nghệ nhân này, mỗi cây Bonsai là một tác phẩm nghệ thuật. Lịch sử của Bonsai Bonsai có nguồn gốc từ Trung Quốc từ thời nhà Tần. Vào thời kỳ này, những cây lùn trong chậu dùng để trang trí nội thất là những cây đã được gió, tuyết, thiên nhiên rèn nắn và được bưng vào trong chậu. Đến thế kỷ VIII Sau Công nguyên, người Nhật xem Bonsai đích thực là một nghệ thuật. Tuy nhiên phải đến thời Tokugawa – Thời kỳ Edo (1603 – 1867) mới thực sự là thời kỳ hoàng kim của Bonsai khi kết hợp với triết lý phật giáo là hòa bản ngã vào thiên nhiên đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của những kỹ xảo trong nghệ thuật Bonsai. Người chuyên sưu tập Bonsai đi tìm những cây lùn đẹp mắt trong tự nhiên trên các vùng núi có vách đá hiểm trở. Sỡ dĩ chọn trên vùng núi vách đá hiểm trở vì chỉ khi phát triển ở đó, bộ rễ của những cây lùn mới phô trương được hết vẻ đẹp của mình. Đến thời Minh Trị (1868 – 1912) xuất hiện kỹ thuật quấn cây kim loại để uốn thân cây. Và từ đó đến nay, kỹ thuật này đã ngày càng được đổi mới và được nâng lên thành nghệ thuật. Ý nghĩa của nghệ thuật Bonsai Mỗi cây Bonsai là một tác phẩm nghệ thuật được lồng vào đó những kiến thức, ý tưởng và tình cảm của nghệ nhân tạo ra. Đa số người chơi Bonsai cho rằng để xem được Bonsai đầu tiên phải xét đến những vẻ đẹp ngoại hình bao gồm 4 yếu tố cơ bản: Bộ gốc rễ, thân, cành lá, hoa của cây cảnh. Khi nghệ thuật Bonsai mới phát triển người ta quan niệm rằng chỉ chọn những cây quý hiếm có tuổi thọ lâu đời như cây tùng, bách, sanh, si, đa, v.v… nhưng sau một thời gian phát triển, các nghệ nhân trẻ tuổi suy nghĩ thoáng hơn không cần cây quý mà chỉ cần nghệ nhân có kỹ thuật tốt và tâm huyết cũng có thể tạo ra một tác phẩm thực thụ. Theo những người chơi lâu năm, Bonsai đẹp là cây mang trên mình nét cổ kính, già cỗi, còn giữ nét hoang sơ pha lẫn những nét dịu dàng gợi lên sự rung động ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những vết cắt trên thân cây tạo nên nét già nua phải đủ thời gian để cây tự lành sẹo. Những tán cây tỏa ra nhiều hay ít, cao hay thấp cũng mang những giá trị nhân văn khác nhau mà nghệ nhân muốn thể hiện. Tiếp theo là bộ rễ. Rễ cây Bonsai phơi bày lên mặt chậu với dáng vẻ sung mãn và kiêu hãnh thể hiện sự vững chãi bền bĩ với đất trời. Một cây Bonsai càng nhiều tuổi thì bộ rễ càng đẹp và trồi lên mặt đất, tương trưng cho sức mạnh và sự chiến thắng rực rỡ trong cuộc chiến sinh tồn khốc liệt với thiên nhiên. Tán cây xòe không được che khuất thân cây mà phải cùng tôn lên vẻ đẹp hoàn chỉnh vững chãi cho thân cây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét